Tháp chàm Poshanu đầy kỳ bí

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng ít nhất một lần đến với thành phố biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Song không phải ai cũng thăm quan được hết tất cả địa danh nổi tiếng ở đây.

Cách trung tâm TP du lịch Phan Thiết khoảng 5km về hướng Đông Bắc trên đường xuống Mũi Né bạn có thể dễ dàng nhìn thấy cụm Tháp đứng sừng sững trầm mặc trên đỉnh đồi, cạnh lầu Ông Hoàng. Đó là Tháp Pôshanư. Đây là cụm tháp qua bao biến đổi của thời gian và thăng trầm của lịch sử vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn vẻ nguyên sơ của nó so với một số cụm tháp khác ở Bình Thuận, như nhóm Tháp Pôdam (Phú Lạc – Tuy Phong); nhóm tháp Bà Châu Rế (Hàm Phú – Hàm Thuận Bắc) …Hiện nay, đang có nhiều ý kiến khác nhau về thời gian xây dựng tháp, có ý kiến cho rằng tháp được xây dựng giữa thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ IX, có ý kiến thì cho rằng vào khoảng thế kỷ XV, ý kiến khác lại cho rằng vào khoảng thế kỷ XVI đến XVIII.

Trong truyền thuyết dân tộc Chăm, lịch sử ra đời của Tháp gắn liền với chuyện tình đầy hạnh phúc nhưng cũng rất thương đau của công chúa Pôshanư và lãnh chúa Po Sahaniempar. Chuyện kể rằng: Vượt qua bao cấm đoán hà khắc của luật tục tôn giáo Chăm thời bấy giờ. Công chúa Pôshanư đã đem lòng yêu thương và quyết định kết tóc se duyên với lãnh chúa Po Sahaniempar một người theo đạo Hồi giáo ở vùng Ma Lâm. Trong những ngày sống hạnh phúc và đã cùng nhau xuống vùng Phú Hài (Phan Thiết) vận động nhân dân xây tháp trên đồi Bianneh (Mũi Né). Thái tử Podam, em ruột của Pôshanư từ lâu đã không muốn chị mình lấy một người chồng ngoại đạo. Nhân một chuyến hành hương về Ấn Độ của Po Sahaniempar theo luật Hồi giáo, Podam đã bày mưu chia rẻ hai người. Chàng Po Sahaniempar sau thời gian hành hương trở về không thấy vợ ra đón theo lời hẹn ước, cho rằng bà đã phản bội nên từ bỏ ra đi về phía nam, mang theo trong lòng một mối hận. Khi Pôshanư tìm đến để nói lời thanh minh, thì ông đã trao gởi trái tim tình yêu cho nàng Chargo người dân tộc Raglây ở vùng Núi Ông – Tánh Linh. Những năm tháng cuối đời bà Pôshanư đã sống một mình thanh thản tại Bianneh. Người Chăm đời sau tạc tượng Bà và thờ Bà trong tháp. Ngày xưa, hàng năm cứ đến mùa Katê, đồng bào lại tụ về bên tháp thắp hương tưởng niệm và vui chơi, múa hát bên Bà, đón mừng năm mới. Sau năm 1975 đến nay, tháp bà Pôshanư được nhiều lần trùng tu bảo tồn với sự đóng góp công sức và trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước và đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá. Hiện nay hàng ngày tháp vẫn mở cửa đón khách thập phương đến du lịch Phan Thiết để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá mà những nghệ nhân và những người thợ xây dựng Chămpa đã mang theo vào cõi vĩnh hằng. Họ cũng đến để tưởng nhớ đến bậc tiền bối đã có công vận động xây dựng tháp, đóng góp vào kho tàng văn hoá Việt Nam một tác phẩm kiến trúc như một bông hoa đẹp: Bà Pôshanư.

Leave a comment